Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Nhà Tiền Lý và Triệu Việt Vương (541 - 602)

NHÀ TIỀN LÝ VÀ LÝ NAM ĐẾ

Diễn biến khởi nghĩa:
Gần 300 năm sau cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), nước ta lại có xuất hiện thêm một vị anh hùng mới, người đã đặt nền móng đầu tiên cho nhà nước Vạn Xuân độc lập. Đó là anh hùng Lý Bí.

Năm 542, Lý Bí khởi nghĩa chống giặc nhà Lương  bấy giờ đang đô hộ nước ta.


Nhà Tiền Lý và Triệu Việt Vương (541 - 602)
Khởi nghĩa chống quân Lương năm 542 - 544

Chưa đầy 3 tháng, Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện quan trọng và thành Long Biên. Các cuộc phản công sau đó của nhà Lương đều bị ông đánh bại.

Năm 543, quân Lương sang xâm lược lần nữa nhưng đã bị ông phục kích đánh bại tại bán đảo Hợp Phố, phía bắc Giao Châu.

Hình thành:
Năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, tự xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân (với hy vọng đất nước yên bình muôn đời). Đóng đô tại cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay) và cho dựng điện Vạn Thọ.

Triều đình gồm hai ban văn võ, trong số các quan võ có Triệu Quang Phục là một vị tướng trẻ và có tài nên được trọng dụng.

Sụp đổ:
Năm 545, quân Lương một lần nữa sang xâm lược, lần này chúng quyết tâm chiếm lấy nước ta cho được.

Sau nhiều cuộc tấn công và phản kích của cả hai bên, người ngựa đều đã mệt mỏi. Tuy nhiên, với sự gian xảo của mình, tướng giặc đã đánh úp Lý Nam Đế khiến ông phải lui vào động Khuất Lão.

Tại đây, ông bị đau yếu và truyền lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. 

Ngày 13 - 4 - 548, Lý Nam Đế mất.


TRIỆU VIỆT VƯƠNG (TRIỆU QUANG PHỤC)

Hình thành:
Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng vương và lấy hiệu là Triệu Việt Vương, kéo quân về đóng tại Dạ Trạch (Hưng Yên ngày nay). Dân gian còn gọi ông là Dạ Trạch vương.

Vào năm 550, ông đã đánh thắng quân Lương suy yếu và dành lại độc lập cho nước nhà.


Nhà Tiền Lý và Triệu Việt Vương (541 - 602)
Chống giặc Lương năm 545 - 550

Xung đột với người nhà họ Lý:
Khi Lý Nam Đế thất trận, người anh của ông là Lý Thiên BảoLý Phật Tử đã bỏ chạy thoát thân sang Lào, trốn trong động Dã Năng và xưng vương ở đó.

Đến năm 547, Lý Phật Tử kéo quân về nước với cớ đòi lại ngôi của nhà Tiền Lý. Triệu Việt Vương nghĩ tình nên chia đất còn gả con gái mình cho con của Lý Phật Tử.

Năm 571, Lý Phật Tử phản trắc, đem quân đánh Triệu Việt Vương khiến ông phải gieo mình xuống biển tự vẫn.


HẬU LÝ NAM ĐẾ (571 - 602)

Sau khi thắng trận, Lý Phật Tử xưng đế và đóng đô tại Phong Châu.

Năm 602, nhà Tùy đem quân đánh nước ta lần nước, Lý Phật Tử hoảng sợ đầu hàng. Thế là nước ta một lần nữa bị chiếm và rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần 3.


Nguồn tham khảo:
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng
Hình ảnh: Google

Khởi nghĩa Bà Triệu (248)

Diễn biến:
Sau khi một thời gian dài Bắc thuộc lần thứ 2, lần lượt các cuộc khởi khĩa của nghĩa binh người Việt nổ ra nhắm chống lại triều đình phương Bắc.

Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Vua Bà Triệu Thị Trinh vào năm 248 (thế kỷ thứ III).

Vào năm Bà 19 tuổi, Bà cùng anh vào núi lập căn cứ khởi nghĩa ở Phú Điền (Hậu Lộc - Thanh Hóa). Đấy là một vùng thung lũng giữa hai núi đá vôi, vừa gần biển vừa là cửa ngõ ra đồng bằng.

Năm 248, nghĩa quân bắt đầu tấn công đồn trại của quân Ngô, các thành ấp đều lần lượt thất trận, quan quân Ngô bỏ chạy, tan tành.

Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã làm cho thứ sử Giao Châu hoảng sợ mà chạy mất tích.

Kết thúc:
Vua Ngô bèn phái Lục Dận đem 8000 quân tinh nhuệ đánh lại và tái chiếm Giao Châu, Cửu Chân. Đánh đến đâu hắn mua chuộc các thủ lĩnh người Việt đến đó.

Sau 6 tháng, nghĩa quân thất bại dù đã chống trả quyết liệt, Bà hy sinh anh dũng trên núi Tùng (Thanh Hóa). Lúc đó Bà mới 23 tuổi.

Sau này, vua Lý Nam Đế (Lý Bí) nhà Tiền Lý khen Bà là người trung dũng, nên đã sai lập miếu thờ và phong là "Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân".

Nay đền thờ Bà có tại Phú Điền, Thanh Hóa.

Khởi nghĩa Bà Triệu (248)


Nguồn tham khảo:
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng

Bắc thuộc lần thứ hai (43 - 541)

Tình hình:
Sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, Mã Viện đem đất Giao Chỉ sáp nhập vào nhà Đông Hán. 

Chia thành 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, gồm khoảng 50 huyện. Đứng đầu vẫn là Thứ sử từ Trung Quốc. Chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt bị bãi bỏ.

Tất cả các luật lệ đều theo người Hán. Dân chúng sống như người Hán và học chữ Hán, tôn vua người Hán là "thiên tử".

Hàng năm vẫn như trước, cống nạp các sản vật của cải quý hiếm của đất rừng nước Nam cho phương Bắc, từ sừng tê, ngà voi, ngọc trai, gỗ trầm, san hô, đồi mồi...ngay cả đến người thủ công tài hoa cũng bị coi là đồ cống nạp.

Sau thời Đông Hán, Trung Quốc về thời Tam Quốc, nước ta thuộc Đông Ngô của Tôn Quyền.

Bắc thuộc lần hai (43 - 541)
Nước ta thuộc nhà Đông Ngô thời Tam Quốc.
Nguồn ảnh: vi.wikipedia.org

(nhấp vào để phóng to)

Kết thúc thời Tam Quốc, nước ta rơi vào tay các nhà nước phong kiến nhỏ thời Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, thay quyền nhau cai trị.

Các cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ của người Việt nhanh chóng bị đánh bại, tiêu biểu nhất là cuộc Khởi nghĩa Bà Triệu vào năm 248, thời kỳ Bắc thuộc này kéo dài gần 500 năm.

Mãi cho đến năm 541, khi mà cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thắng lợi và lập ra nhà nước phong kiến Tiền Lý, đặt tên nước là Vạn Xuân thì thời kỳ Bắc thuộc lần hai này mới chấm dứt.


Nguồn tham khảo: wikipedia.org
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Khởi nghĩa Hai bà Trưng (40 - 43)

Nguyên nhân:
Sau khi thôn tín nhà Triệu, nhà Hán đổi nước ta thành Giao Chỉ và giao cho các thái thú trong coi. Đến thời của thái thú Tô Định. Ông ta áp bức dân lành, đặt thuế cao, bắt cống nạp nhiều phẩm vật quý hiếm của đất Giao Chỉ giao về cho nhà Hán.

Người lên rừng tìm chim thú lạ, người xuống biển lặng mất xác để tìm ngọc châu, đồi mồi. Ruộng nương thì bị người Trung Nguyên kéo sang tranh giành, ỷ thế cậy quyền chiếm đoạt các vùng đất màu mỡ. Khắp chốn Giao Chỉ chỉ toàn là nhân dân lầm than, giết chóc đủ điều.
Hai bà Trưng
Hai bà Trưng
(nhấp vào để phóng to)
Diễn biến:
Tức thế trước áp bức của quân xâm lược, năm 40 tại vùng đất Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), hai chị em Trưng Trắc và Trung Nhị đã nổi dậy chống lại nhà Hán. Trước lúc đó, Thi Sách là chồng của Trưng Trắc đã bị Tô Định giết trong trận chiến tại Chu Diên.

Hưởng ứng theo hai Bà, nhân dân khắp nơi nổi dậy cùng theo đoàn quân tiến đánh thành Luy Lâu. Đoàn tượng binh của Trưng Trắc và Trưng Nhị đã làm cho Tô Định khiếp vía mà bỏ chạy về Nam Hải. 

Trong một thời gian ngắn, tin thắng trận khắp nơi bay về và đất nước đã sạch bóng quân thù. Hai bà Trưng được tôn lên làm vua và đóng đô ở Mê Linh. Họ đã miễn thuế cho nhân dân trong hai năm.
Khởi nghĩa Hai bà Trưng
Diễn biến cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng (40 - 43)
Kết thúc:
Năm 41, Mã Viện đem 20 vạn quân tiến đánh nước ta. Trưng nữ Vương cùng nhân dân cả nước một lần nữa dốc hết sức mình chống lại thế địch mạnh. Chiến trường kéo dài từ Lãng Bạc (một phần Quảng Ninh và Bắc Ninh ngày nay) đến Cấm Khê (Hà Tây). 

Hàng vạn người con đất Việt đã nằm lại đây, nước sông Hồng nhuộm đỏ một màu. Mã Viện đã lấy lại 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân với 91 vạn nhân khẩu.

Hai bà Trưng chống giặc đến mũi tên, ngọn giáo cuối cùng và hai Bà đã tự gieo mình xuống dòng Hát Giang vào ngày mùng 6 tháng 2 năm 43. Nước ta lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.
Nguồn tham khảo: wikipedia.org
Hình ảnh: Google
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng

Nhà Triệu (207 TCN - 111 TCN)

Hình thành:
Sau khi thôn tín Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập Âu Lạc vào nước Nam Việt và lập ra Nhà Triệu năm 207 TCN. Nhà Triệu trải qua 5 đời vua.
  1. Triệu Vũ Vương (Triệu Đà) (207 TCN - 137 TCN)
  2. Triệu Văn Vương (137 TCN - 125 TCN)
  3. Triệu Minh Vương (125 TCN - 113 TCN)
  4. Triệu Ai Vương (113 TCN - 111 TCN)
  5. Triệu Dương Vương (112 TCN - 111 TCN)
Lãnh thổ:
Nước Nam Việt - Nhà Triệu
Nước Nam Việt - Nhà Triệu
(nhấp vào để phóng to) 
Suy tàn:
Cuối năm 113 TCN, triều đình rối ren và lục đục nội bộ. Tướng quân Lữ Gia phải đem vua Dương Vương đi trốn được một thời gian nhưng quân Hán đuổi bắt được và diệt hết cả hai. Nhà Hán thôn tính nước Nam Việt và đổi thành Giao Chỉ bộ. Đất nước rơi vào thời kỳ Bắc thuộc cho đến khi Khởi nghĩa Hai bà Trưng bùng nổ năm 40.

Ngoài lề:
Theo đa phần ý kiến từ các nhà sử học Việt Nam cho rằng gốc tích nhà Triệu là từ bên Trung Quốc. Vì thế, nhà Triệu không thuộc nhà nước chính thống trong lịch sử Việt Nam. Nhưng nhà Triệu lại ảnh hưởng đến một phần lịch sử của nước ta do liên quan đến thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, nên không thể không nhắc đến.
Nguồn tham khảo và hình ảnh: wikipedia.org
lichsuvietnam.vn
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng

Bắc thuộc lần thứ nhất (207 TCN - 39)

Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất trong lịch sử của nước ta bắt đầu khi nhà nước Âu Lạc sụp đổ vào năm 207 TCN đến năm 39 sau Công nguyên.

Có nhiều thuyết cho rằng giai đoạn này có bắt đầu với các năm khác nhau. Lý do của sự việc này đó chính là việc công nhận hay không công nhận nhà Triệu (của Triệu Đà) là một triều đại "chính thống" trong lịch sử Việt Nam.

_Nếu công nhận: thời kỳ này sẽ bắt đầu từ năm 111 TCN, năm mà nhà Triệu bị Hán Vũ Đế của nhà Hán đánh bại.

_Nếu không công nhận: thời kỳ này sẽ bắt đầu từ khi Triệu Đà đánh bại An Dương Vương năm 207 TCN.

Trong thời kỳ Bắc thuộc này, nước ta được chia thành 9 quận:
  1. Nam Hải (Quảng Đông)
  2. Thượng Ngô (Quảng Tây)
  3. Uất Lâm (Quảng Tây)
  4. Hợp Phố (Quảng Đông)
  5. Giao Chỉ (Bắc Bộ)
  6. Cửu Chân (Thanh Hóa)
  7. Nhật Nam (Nghệ Tĩnh)
  8. Châu Nhai (đảo Hải Nam)
  9. Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam)
Nhà Hán đặt mỗi quận có viên thái thú trong coi, giúp việc có các viên thứ sử. Lạc hầu và lạc tướng vẫn được duy trì ở Giao Chỉ và được cha truyền con nối.

Đến năm 34, thái thú mới là Tô Định đã ra sức bóc lột nhân dân Giao Chỉ đến cùng cực. Và điều tất yếu đã đến, khởi nghĩa của Hai bà Trưng năm 40 đã đập tan ách bóc lột dã man của giặc phương Bắc.
Nguồn tham khảo: wikipedia.org
lichsuvietnam.vn
"Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Nhà nước Âu Lạc (257 TCN - 207 TCN)

Hình thành:
Là triều đại thứ hai trong lịch sử Việt Nam nối tiếp nhà nước Văn Lang. Sau khi Thục Phán đánh bại Hùng Vương thứ 18, nhà nước Âu Lạc được thành lập vào năm 257 TCN. Ông lên ngôi vua và lấy hiệu là An Dương Vương. Đặt tên nước là Âu Lạc (sự kết hợp của người Âu Việt và Lạc Việt), đóng đô tại Cổ Loa (nay là Đông Anh - Hà Nội).

Lãnh thổ:
Âu Lạc
Bản đồ nhà nước Âu Lạc
(nhấp vào để phóng to)
Gồm phía bắc Việt Nam ngày nay và phía nam của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 
Ranh giới phía bắc là sông Tả Giang (Quảng Tây), phía nam là dãy Hoành Sơn (thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay).

Tổ chức nhà nước:
Tương đối giống với thời Văn Lang với Lạc hầu, Lạc tướng và Bồ chính. Xã hội phân thành 3 giai cấp (vua quan, nhân dân và nô lệ).

Vết tích ngày nay của thời kỳ này là thành Cổ Loa và các mũi tên đồng được khai quật.

Thành tựu:
Đánh đuổi 50 vạn quân Tần do tướng Đồ Thư cầm quân năm 218 TCN, sử dụng chiến thuật đánh du kích để dành thắng lợi.

Suy tàn:
Do chủ quan trong phòng thủ mà An Dương Vương đã để mất Cổ Loa vào tay Triệu Đà của nước Nam Việt vào năm 207 TCN.
Âu Lạc bị sắp nhập vào Nam Việt. Sau này khi Nam Việt bị tiêu diệt bởi nhà Hán thì nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.

Nguồn tham khảo: wikipedia.org
lichsuvietnam.vn
Hình ảnh: vnmilitaryhistory.net

Danh sách 18 vị vua Hùng

  1. Kinh Dương Vương (涇陽王): 2879 - 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Huý là Lộc Tục (祿續). 
  2. Hùng Hiền vương (雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 - 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜). 
  3. Hùng Lân vương (雄麟王): 2524 - 2253 TCN 
  4. Hùng Diệp vương (雄曄王): 2252 - 1913 TCN 
  5. Hùng Hi vương (雄犧王): 1912 - 1713 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "ngưu" 牛) 
  6. Hùng Huy vương (雄暉王): 1712 - 1632 TCN 
  7. Hùng Chiêu vương (雄昭王): 1631 - 1432 TCN 
  8. Hùng Vĩ vương (雄暐王): 1431 - 1332 TCN 
  9. Hùng Định vương (雄定王): 1331 - 1252 TCN 
  10. Hùng Hi vương (雄曦王): 1251 - 1162 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "nhật" 日) 
  11. Hùng Trinh vương (雄楨王): 1161 - 1055 TCN 
  12. Hùng Vũ vương (雄武王): 1054 - 969 TCN 
  13. Hùng Việt vương (雄越王): 968 - 854 TCN 
  14. Hùng Anh vương (雄英王): 853 - 755 TCN 
  15. Hùng Triêu vương (雄朝王): 754 - 661 TCN 
  16. Hùng Tạo vương (雄造王): 660 - 569 TCN 
  17. Hùng Nghị vương (雄毅王): 568 - 409 TCN 
  18. Hùng Duệ vương (雄睿王): 408 - 258 TCN
Nguồn: wikipedia.org

Văn Lang (2879 TCN - 258 TCN)

Hình thành
Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN.
Nguyên nhân thành lập nhà nước Văn Lang thì được chấp nhận với một trong hai lý do sau đây:

1. Theo bộ Đại Việt Sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sỹ Liên (ở thế kỷ 15) chép rằng: vua Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh ra 100 người con, chia ra 50 lên núi và 50 xuống biển. Những người con theo mẹ lên núi thì suy tôn người anh cả lên làm vua và lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang và đóng đô tại Bạch Hạc - Phú Thọ.

2. Theo bộ Đại Việt sử lược (ở thế kỷ 13) thì lại chép rằng: Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt khác (15 bộ) vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương (nhà Chu bên Trung Quốc). Người đứng đầu bộ tộc xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Văn Lang, về sau gọi là Phong Châu.


Lãnh thổ:

Bản đồ Nhà nước Văn Lang
Bản đồ Nhà nước Văn Lang
(nhấp vào để phóng to) 
Tổ chức nhà nước Văn Lang:
_Đứng đầu là vua Hùng, giúp việc cho vua gồm có các Lạc Hầu và quan Lạc Tướng cai quản các bộ. Dưới Lạc tướng là các Bồ Chính, theo sử thì Hùng Vương có 18 đời vua (danh sách đính kèm).
_Xã hội phân chia thành 3 tầng lớp là: Vua quan, nhân dân và nô lệ. Nô lệ thuộc về vua quan. Nhân dân chủ yếu là làm nghề nông.
Tổ chức nhà nước Văn Lang
Tổ chức nhà nước Văn Lang
Suy tàn:
Cuối thời Hùng Vương, vua quan chỉ lo ăn chơi rượu chè, không lo việc quân việc nước. Năm 258 TCN, Thục Phán đem quân đánh và giành chiến thắng. Sau đó, ông sáp nhập lãnh thổ rồi thành lập nhà nước Âu Lạc.
Nguồn tham khảo: wikipedia.org
Hình ảnh: truongsahoangsa.info